Truy tìm ‘rào cản’ công cuộc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ tại Hà Nội - Bài 1: Cận cảnh loạt công trình ‘dọa sập’
19/10/2023
Đơn nguyên 1 và 3 chung cư/Khu tập thể Bộ Tư pháp xuống cấp trầm trọng và xuất hiện vết nứt tách rời đơn nguyên 2 khoảng 60cm. Còn 2 đơn nguyên 1 và 2 của khu tập thể G6A Thành Công đã tách hẳn đơn nguyên 3, tạo thành khe hở hình chữ V...
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.600 chung cư/khu tập thể cũ, được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1992 với kết cấu bằng tường gạch, bê tông lắp ghép. Trải qua nửa thế kỷ, nhiều chung cư đã xuống cấp, xập xệ, tiềm ẩn nguy hiểm, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh và mỹ quan đô thị.
Nhiều khu nhà chung cư đã được các cơ quan chức năng đánh giá mức độ nguy hiểm cấp độ D – mức thể hiện khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. Chính quyền địa phương các cấp đã nhiều lần thông báo về việc di dời người dân khỏi những căn nhà xuống cấp nguy hiểm này.
TP Hà Nội đã có kế hoạch cải tạo chung cư cũ từ hàng chục năm, nhưng đến nay, chỉ có gần 2% số chung cư cũ được cải tạo.
Gần đây nhất ngày 23/9/2021, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai trong đợt 1 là 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D (gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (là: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, phần lớn người dân sống tại các chung cư xuống cấp nguy hiểm đều mong muốn được di dời đến nơi ở mới càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận cư dân “ngần ngừ” chưa quyết tâm di dời vì băn khoăn về các phương án bồi thường, tạm cư…
Phóng viên ghi nhận, khu tập thể/chung cư Bộ Tư pháp (ngõ 35 phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình) xuống cấp trầm trọng. Khu tập thể này được xây dựng từ năm 1990, cao 5 tầng gồm 3 đơn nguyên, trong đó có 2 đơn nguyên (1 và 3) xuống cấp mức D, cần phải di dời người dân.
Khu tập thể Bộ Tư pháp
Bên ngoài đơn nguyên 1 và 3 đã được quây tôn kín và có biển thông báo mức độ nguy hiểm, nghiêm cấm mọi người không vào khu vực khu nhà này để đảm bảo an toàn.
Đơn nguyên 1 và 3 xuống cấp trầm trọng và xuất hiện vết nứt tách rời đơn nguyên 2 khoảng 60cm
Ông Lê Hoàng Trung - Trưởng khu tập thể Bộ Tư pháp, đang sống ở đơn nguyên 2 khu tập thể này, cho biết, ngay sau khi xác định đơn nguyên 1 và 3 xuống cấp trầm trọng và xuất hiện vết nứt tách rời đơn nguyên 2 khoảng 60cm, tổng số 42 hộ dân tại đơn nguyên 1 và 2 đã bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư cách đây 7 năm.
Đơn nguyên 2 xuống cấp mức độ C, các hộ dân ráng ở lại. Tuy nhiên, đơn nguyên này ngày càng xuống cấp, cư dân đang và sẽ đối mặt với nguy hiểm khó lường. Vì vậy, cũng theo ông Trung, nhiều người ở đơn nguyên 2 mong muốn khu tập thể sớm được cải tạo, xây dựng lại để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho cư dân.
Ông Lê Hoàng Trung chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam
Khu tập thể/chung cư Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình được xây dựng từ năm 1980 với kết cấu 5 tầng. Khu tập thể này gồm khu A và khu B, mỗi khu có 2 đơn nguyên (1 và 2).
Khu tập thể Ngọc Khánh
Tại đơn nguyên 1 của khu A, các hạng mục xây dựng đã xuống cấp trầm trọng, khối nhà tách rời khỏi đơn nguyên 2 của khu A khoảng 40cm. Hiện tại, toàn bộ 27 hộ dân trong đơn nguyên 1 của khu A đã bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư. Trong đó, 26 hộ nhận nhà tạm cư, 1 hộ nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở. Bên ngoài đơn nguyên này đã được quây tôn kín.
Cả khối nhà đơn nguyên 1 đã tách rời ra khỏi đơn nguyên 2 của khu A, hình thành vết tách rời rộng khoảng 40cm.
Tại đơn nguyên 2 của khu A, các hạng mục xây dựng cũng xuống cấp trầm trọng. Một số người dân cho biết, khu nhà nguy hiểm cấp độ C nhưng vì mưu sinh, vì thói quen…, các hộ dân vẫn “bám trụ” lại đây.
Tại đơn nguyên 2 của khu A, các hộ dân vẫn “bám trụ” lại đây.
Khu B của khu tập thể Ngọc Khánh cũng bao gồm 2 đơn nguyên với tổng số khoảng 45 hộ dân sinh sống. Các hạng mục của khu này được đánh giá xuống cấp cấp độ C. Một số hộ dân bày tỏ sẵn sàng di dời đi nơi khác để chung cư sớm được cải tạo, xây lại. Nhưng cư dân cũng mong muốn có chính sách bồi thường, cam kết và hỗ trợ thỏa đáng.
Khu nhà tập thể C8 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình được xây dựng từ khoảng năm 1979 với kết cấu 5 tầng, bao gồm 3 đơn nguyên (1,2,3). Đơn nguyên 3 đã xuống cấp trầm trọng, nứt tách ra khỏi đơn nguyên 2. Tổng số hộ dân tại đơn nguyên 3 là 36 hộ dân và 1 cơ quan. Có 36/37 trường hợp hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ, nhận nhà tạm cư và bàn giao căn hộ cũ (gồm 1 cơ quan, 19 hộ dân nhận căn hộ tạm cư và 16 hộ dân nhận tiền tự lo chỗ ở).
Còn 1 hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ vì người này thường xuyên ở nước ngoài, ít có dịp về Việt Nam.
Khu tập thể C8 Giảng Võ
Tại các đơn nguyên 1 và 2 khu tập thể C8 Giảng Võ, các hạng mục và công trình cũng đã xuống cấp trầm trọng.
Các hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng
Ông Nguyễn Trọng Hùng (78 tuổi, sống tại đơn nguyên 1 khu tập thể C8 Giảng Võ) cho biết, gia đình ông là một trong những người đầu tiên sinh sống tại khu tập thể này, mỗi đơn nguyên tại đây khoảng 30 căn, có căn thì 2 hộ dân sinh sống.
“Thực tế thì khu này cũng xuống cấp hết, phải sửa sang lại thì mới đảm bảo an toàn, ở được. Một số người dân có căn hộ tại đơn nguyên 1 và 2 cũng cho thuê lại và đi ra ngoài ở. Vì khi đơn nguyên 3 bị nứt và tách rời ra thì cũng sẽ ảnh hưởng đến đơn nguyên 1 và 2.
Chúng tôi mong có nơi khác tạm cư, tái định cư lắm rồi. Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn khi chuyển đi tạm cư thì không biết bao giờ mới nhận được nhà, khi chuyển chỗ ở thì công tác, việc học hành của con cháu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở tầng 1 đang cho thuê kinh doanh, có chỗ được 40 triệu đồng/tháng nên tiếc chưa muốn đi…
Nói chung, khúc mắc hiện nay vẫn là về chính sách bồi thường, hỗ trợ và cam kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư và người dân làm sao để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân và doanh nghiệp”.
Khu tập thể G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình) nằm ở mặt đường Nguyên Hồng, được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Đây được coi là một trong những khu tập thể nguy hiểm nhất Hà Nội. Hiện tại, 2 đơn nguyên 1 và 2 của khu tập thể G6A Thành Công đã tách rời hẳn đơn nguyên 3, tạo thành khe hở hình chữ V.
Khu tập thể G6A Thành Công
2 đơn nguyên gồm đơn nguyên 1 và 2 của khu tập thể G6A Thành Công đã tách rời hẳn ra so với đơn nguyên 3 khác tạo thành khe hở hình chữ V.
Toàn bộ khu nhà đã được chính quyền quây tôn và có biển thông báo nguy hiểm cấp D. Tuy nhiên, từ tầng 1 tới tầng 5 tại 2 đơn nguyên này vẫn có các hộ gia đình sinh sống.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Tổ trưởng TDP 22, phường Thành Công, quận Ba Đình, tổng số có 49 hộ sinh sống tại đơn nguyên 1 và đơn nguyên 2. Đến thời điểm hiện tại có 29 hộ dân đã đồng thuận bàn giao căn hộ và nhận nhà tạm cư, còn 20 hộ dân đang sinh sống và không di dời khỏi khu tập thể.
Bà Tâm cho biết thêm, tổ dân phố và phường đã nhiều lần tuyên truyền nhưng người dân vẫn chưa đồng ý di dời. Một số hộ dân hiểu sai rằng khi nhận tiền hỗ trợ cho thuê nhà hoặc di dời đến nhà tạm cư thì sau khi khu nhà được xây dựng lại, họ sẽ bị trừ tiền. Họ lo lắng khi đi tạm cư thì không biết thời gian cụ thể nào sẽ quay lại. Họ cũng ngại ngần khi các khu nhà tạm cư ở xa và cơ sở vật chất cũng biểu hiện xuống cấp.
Mặc dù chính quyền đã giải thích cho người dân chi phí di dời theo quy định về nhà nguy hiểm cấp độ D để đảm bảo tính mạng và tài sản là được hỗ trợ. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn chưa hiểu đúng và không đồng ý khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng…“Hiện tại, các đơn vị cũng đang tiến hành khảo sát toàn bộ khu nhà G6A và G6B, tôi cũng hy vọng thành phố sẽ quan tâm để giải quyết việc này cho nhanh. Khảo sát rồi thì lên thiết kế thi công, cho nhà đầu tư đấu thầu rồi làm việc với người dân để người dân cảm thấy yên tâm, thoải mái. Không chỉ riêng đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A mà còn nhiều nhà khác. Tôi nghĩ an cư thì mới lạc nghiệp, chính sách có từ lâu rồi nhưng triển khai quá chậm khiến người dân mất niềm tin, mệt mỏi”, bà Tâm nói.
Trong quyết định di dời dân cư khỏi các căn nhà có nguy cơ đổ sập, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận bố trí 172 căn hộ phục vụ tạm cư, gồm: 100 căn hộ tại Nhà cao tầng lô E Yên Hòa, quận Cầu Giấy; 42 căn hộ tại nhà A1, A2, X2 Phú Thượng, quận Tây Hồ; 30 căn hộ tại nhà CT1 Khu đô thị thành phố giao lưu, quận Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, những khu nhà tạm cư này cũng đang trong tình trạng xuống cấp.
Ngoài 4 khu nhà tập thể được đánh giá mức độ nguy hiểm loại D, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận tình trạng xuống cấp và bất cập tại một số nhà tập thể, chung cư cũ tại Hà Nội:
Tố Vân – Hoàng Việt
Nguồn:
https://baophapluat.vn/bds/truy-tim-rao-can-cong-cuoc-cai-tao-xay-dung-moi-chung-cu-cu-tai-ha-noi-bai-1-can-canh-loat-cong-trinh-doa-sap-post489587.html