CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Tiếp tục tranh cãi về thời hạn sở hữu chung cư
08/03/2023

Theo GS. TS Trần Ngọc Đường, chỉ vì cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn, Bộ Xây dựng bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là không thoả đáng.

 

Tại dự thảo lần 5 của Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng tiếp tục đưa ra hai phương án về sở hữu chung cư có thời hạn hoặc giữ nguyên như hiện tại - tức không quy định niên hạn. Quan điểm của cơ quan này vẫn nghiêng về phương án 1, tức cần thiết có thời hạn sở hữu chung cư.

Nói tại Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 7/3, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, đa số thành viên Chính phủ đã thống nhất với phương án bổ sung thời hạn chung cư.

Tuy nhiên, GS. TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng căn cứ xây dựng đề xuất không xác đáng, thiếu cơ sở thực tiễn.

 

TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật. Ảnh: Tạp chí Mặt trận

 

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, do không có quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, người dân nghĩ rằng có quyền sở hữu nhà vĩnh viễn, không chịu di dời khiến việc cải tạo chung cư cũ gặp khó. "Nhưng nguyên nhân chính khiến người dân không chịu di dời, bất chấp hiểm hoạ từ chung cư cũ, là vì chính sách đền bù chưa hợp lý", ông Đường nói.

Ông cho biết, nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Vì vậy, đây là khối tài sản rất lớn của người dân. "Lẽ nào vì một điều khác hoàn toàn với thực tiễn mà Nhà nước ra một mệnh lệnh chấm dứt quyền sở hữu đơn giản như thế", ông nhận xét.

Nhà chung cư đang có hai loại, 50 năm và sở hữu vĩnh viễn với giá mua khác nhau. Công trình nhà chung cư cũng được gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và chủ đầu tư này có quyền, nghĩa vụ gắn với sự tồn tại của chung cư đó để tiến hành duy tu, bảo dưỡng và kinh doanh. Cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm khi giám sát trong quá trình thiết kế, thi công, xây dựng công trình. Điều này khác với nhà chung cư thời kỳ trước khi chủ đầu tư là Nhà nước, không gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Chuyên gia này lưu ý thêm, nếu không xử lý thỏa đáng, hậu quả của việc tuyên bố chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư sẽ khiến thị trường bất động sản kém sôi động, người dân không nhiệt tình với sản phẩm này. Trong lúc đó, ở nhà chung cư được xem là xu hướng sống của thế giới nhằm xóa bỏ nhà ở manh mún, nhỏ lẻ.

Góp ý cho dự thảo, ông Phan Trung Lý, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu quan điểm luật cần dựa trên quyền con người để quy định. Tuy nhiên, ông đồng tình việc không có chuyện mua chung cư rồi ở mãi mãi.

Ông nói, quy định của Luật nhà ở cần nêu rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư khi bán nhà. Ngoài ra, Luật cũng cần công khai, minh bạch giữa quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu đất. "Nếu không tách ra thì không xử lý được tranh cãi trong xã hội về quyền sở hữu chung cư", ông phân tích.

Còn ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng hoàn toàn đồng tình với việc cần có thời hạn sở hữu nhà. Tuy nhiên, theo ông, để người dân yên tâm, cần bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan quản lý khi hết hạn sử dụng nhà.

Trước các đóng góp của chuyên gia, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, khi đưa ra đề xuất này, Bộ đã rất thận trọng, cân nhắc đến quyền lợi của người dân. Theo Bộ trưởng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các dự án Luật để chỉnh lý, bổ sung, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cũng như quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người dân, hài hoà lợi ích nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp.

 

Đức Minh

Nguồn:

https://vnexpress.net/tiep-tuc-tranh-cai-ve-thoi-han-so-huu-chung-cu-4578633.html