Sẽ đánh giá toàn diện công tác quản lý chung cư cũ
11/12/2023HĐND tỉnh sẽ giám sát công tác quản lý chung cư và căn hộ cao cấp trên địa bàn. Qua đó, sẽ đánh giá toàn diện công tác quản lý nhà nước về chung cư cũ trên địa bàn TP. Nha Trang; có những kiến nghị, đề xuất cụ thể. Cần thành lập các Ban Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn mới có thể khai thác hiệu quả các công trình sau đầu tư - Đó là 2 giải pháp quan trọng được đề ra để giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII mới đây.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các nội dung được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm về việc: xử lý việc mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chung cư cũ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu đô thị trên địa bàn TP. Nha Trang; đầu tư, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Dứt điểm tranh chấp 2% phí bảo trì nhà chung cư
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toàn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cùng có số phiếu tín nhiệm cao nhất, với 43 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 95,6% tổng số phiếu thu về). Các đại biểu trong Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh đều nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao.
Trước thực trạng trên địa bàn TP. Nha Trang có 49 nhà chung cư, khu tập thể, trong đó có nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng không có kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng cháy, trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân thừa nhận: phần lớn chung cư cũ đã sử dụng từ lâu, bị hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn về PCCC nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn, không có kinh phí thực hiện.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm các tranh chấp về 2% phí bảo trì nhà chung cư để bảo đảm nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị PCCC; UBND TP. Nha Trang làm việc với các chủ đầu tư, cư dân và cơ quan liên quan để kiện toàn, thành lập ban quản trị hoạt động thực sự hiệu quả theo quy định. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài chính rà soát, đánh giá và cân đối ngân sách hỗ trợ các bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc khói, khí độc và thang dây cho các chung cư, nhà tập thể cũ có hệ thống PCCC không bảo đảm trên địa bàn. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá và cân đối ngân sách để có phương án cải tạo, sửa chữa, thay thế các hệ thống PCCC tại các chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.
Chủ tọa điều hành Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII. Ảnh: Hải Lăng
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Mạnh Dũng cho biết, HĐND tỉnh sẽ giám sát công tác quản lý chung cư và căn hộ cao cấp trên địa bàn. Qua đó, sẽ đánh giá toàn diện công tác quản lý nhà nước về chung cư cũ trên địa bàn TP. Nha Trang; có những kiến nghị, đề xuất cụ thể theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cần thành lập các ban quản lý công trình cấp nước sinh hoạt
Trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu của người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam cho biết, những năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, hoạt động, các công trình đã không thể duy trì hiệu quả khai thác, trong đó có 6/37 công trình ngừng hoạt động, 21/37 công trình hoạt động kém hiệu quả.
Việc quản lý, khai thác các công trình nước sạch này đang phát sinh một số tồn tại như: giá tiêu thụ nước sạch tại các khu vực này rất thấp so với mức giá ở các khu vực khác nên thu không đủ bù chi, trong khi chưa có cơ chế, chính sách bù giá, trợ giá nước sinh hoạt cho người dân các khu vực khó khăn; nhiều công trình được đầu tư từ lâu nên công nghệ, thiết bị lạc hậu gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và làm thất thoát nước rất lớn (có nơi gần 40%); nhiều công trình chóng bị hỏng, xuống cấp do không được duy tu, bảo trì, sửa chữa hàng năm…
Thời gian tới, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cần có chính sách kêu gọi thêm nguồn lực đầu tư, quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch ở nông thôn, khu vực có điều kiện khó khăn, với công nghệ hiện đại, bảo đảm chất lượng nước phục vụ người dân. Đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã và đang được đầu tư các công trình hồ chứa nước nên sẽ bảo đảm được nguồn nước cấp cho các công trình cấp nước sạch ở các địa phương này, thay vì sử dụng nguồn nước từ sông, suối như thời gian qua…
Khẳng định tỉnh rất quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân miền núi, nhất là ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành không hiệu quả, thậm chí làm thất thoát tài sản, thất thoát nước… Vì vậy, cần thành lập các Ban Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thì mới có thể khai thác hiệu quả các công trình sau đầu tư - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
Thái An
Nguồn:
https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/se-danh-gia-toan-dien-cong-tac-quan-ly-chung-cu-cu-i353746/