Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
04/12/2022Ngày 28-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ, thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế, như: Luật Xây dựng; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư công… đều có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014, dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành với các luật này.
Mục đích của việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách phát triển nhà ở phù hợp với chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và đồng bộ, thống nhất với các cơ chế, chính sách có liên quan như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng...
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo. |
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương với 234 điều. Tại hội thảo, việc đóng góp ý kiến đã tập trung vào 8 nhóm chính sách, gồm các quy định về sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở...
Nhận xét về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng, dự thảo Luật được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, đã nhận được đóng góp ý kiến của các chuyên gia. Theo ông Đặng Hùng Võ, cần quy định trong Luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội thì mới thu hút được các nhà đầu tư. Ông cũng đề nghị cân nhắc kỹ về tính khả thi của điều luật để tránh tình trạng có luật rồi, nhưng không thể thực hiện do thực tế chưa cho phép.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo. |
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo Luật đã được nghiên cứu nghiêm túc, có nhiều đổi mới, song rất cần nâng cao tính thực tiễn. Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ (chương V), đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm, đã có định hướng từ hơn 20 năm qua, nhưng kết quả không như mong muốn. Dự thảo Luật sửa đổi đã cập nhật được các quy định mới. Tuy nhiên, ông đề nghị, ngoài 2 hình thức thực hiện cải tạo (Nhà nước, doanh nghiệp), đề nghị nghiên cứu thêm mô hình: Cộng đồng các hộ dân liên kết thực hiện. Đây là mô hình đã thành công ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc... Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã được đề xuất trong nhiều hội thảo, nghiên cứu của một số trường đại học, nên cần được xem xét thêm.
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh hoan nghênh các nhà khoa học, các chuyên gia đã đóng góp ý kiến thẳng thắn, khách quan nhằm giúp Bộ Xây dựng tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ. Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023).
Thu Hằng
Nguồn:
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1048752/nhieu-y-kien-dong-gop-vao-du-thao-luat-nha-o-sua-doi