CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Không để hiểm họa chực chờ
20/10/2022

Với hơn 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, câu chuyện cháy nổ tại các chung cư cũ ở thủ đô sẽ ngày càng phức tạp nếu như các kế hoạch triển khai cải tạo chung cư cũ còn chậm…

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Trong đó, sẽ xác định lộ trình lập quy hoạch theo thứ tự ưu tiên giai đoạn 2022 - 2023 và những năm tiếp theo; xác định danh mục các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.

 

Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, do áp lực về diện tích ở và sự quản lý yếu kém, hầu hết các khu nhà tập thể cũ trên địa bàn thủ đô đều diễn ra tình trạng cơi nới, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu công trình, không đáp ứng được các yếu tố về xử lý cháy nổ tại chỗ. Điển hình là một số khu tập thể cũ ở khu vực Thanh Xuân, Thành Công, Giảng Võ (quận Ba Đình), Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), Nguyễn Công Trứ, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), Nam Từ Liêm…

Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, Công an TP. Hà Nội cho hay, qua rà soát trên địa bàn thành phố hiện có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Trong đó, có 1.569 nhà tập thể cũ. Đó là chưa kể đến các vi phạm liên quan như không có công trình bảo đảm giao thông phục vụ chữa cháy; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Không ít chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của không ít cư dân còn hạn chế...

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại các khu tập thể cũ trên địa bàn Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm… cũng cho thấy, tại hầu hết khu tập thể cũ đã và đang tồn tại nhiều bất cập về an toàn cháy, nổ. Tình trạng chung tại khu tập thể cũ hiện nay thường chỉ có vài ba chiếc bình cứu hỏa cũ kỹ, hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó là hàng loạt những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như hệ thống mạng điện chằng chịt, những “chuồng cọp” cơi nới treo kín quần áo, chăn màn.

Trong khi đó, do xây dựng từ nhiều chục năm trước nên phần lớn các khu tập thể cũ đều thiết kế thoát nạn nhỏ hẹp; không có cửa thông gió; nhiều vị trí không có nước cứu hỏa; hộp cứu hỏa không có dây dẫn nước chữa cháy nên khi sự cố hỏa hoạn xảy ra, những hạn chế trên sẽ là nguyên nhân làm gia tăng các hậu quả đáng tiếc.

 

Chung cư cũ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Nguồn: ITN 

 

Cần đột phá trong cải tạo các khu tập thể cũ

Thực tế thời gian qua, chính quyền các cấp ở Hà Nội và người dân cũng đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục các nguy cơ cháy nổ tại các khu tập thể cũ. Cụ thể, đến nay ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho hàng ngàn cơ sở. Hằng năm đều có những cảnh báo, hướng dẫn việc PCCC, cũng như các tình huống xử lý tại các khu tập thể cũ.

Nhiều hộ gia đình sinh sống tại các khu tập thể cũ cũng chủ động tiến hành làm cửa thoát nạn tại khu vực “chuồng cọp” để tăng thêm lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn; đồng thời, trang bị thêm bình bột chữa cháy, bình xịt C02… để bảo đảm an toàn cho gia đình.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng có Công văn số 757/UBND-NC về thực hiện chỉ tiêu khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động năm 2022. Cụ thể, mục tiêu năm 2022, toàn TP. Hà Nội phấn đấu: Không để phát sinh thêm công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; 100% công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng phải xây dựng hoàn thiện giải pháp, kế hoạch khắc phục các tồn tại về PCCC theo quy định, trong đó, tối thiểu 30% công trình được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC trong năm 2022...

Như vậy, các mục tiêu đã rõ ràng và cụ thể, song vẫn còn tới 1.316 cơ sở, trong đó, phần lớn thuộc loại hình nhà tập thể cũ chưa được xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả do các quận, huyện chưa bố trí, dự toán kinh phí thực hiện. Nên chăng, bên cạnh giải pháp cứng nêu trên, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hành PCCC tới từng hộ dân để hạn chế tối đa thiệt hại do sự cố cháy, nổ có thể xảy ra. Mặt khác, để giải quyết có hiệu quả những tồn tại về nguy cơ cháy nổ, không để hiểm họa trực chờ tại các khu tập thể cũ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với Hà Nội đó là cần tạo đột phá trong cải tạo khu tập thể cũ bằng các chính sách phù hợp, tạo sự hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân sinh sống tại các khu tập thể này.

Liên quan đến việc cải tạo khu tập thể cũ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.9.2021. Trong đó có nhiều quy định theo hướng có lợi cho chủ sở hữu căn hộ như: căn hộ chung cư phải cải tạo, xây dựng lại sẽ được tái định cư, giải quyết chỗ ở tạm thời, lựa chọn hình thức bồi thường, yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền chênh lệch bồi thường (nếu có); đồng thời chủ căn hộ chung cư phải cải tạo, xây dựng lại sẽ được cấp giấy chứng nhận về nhà ở và đất đai đối với nhà ở đã được bồi thường, tái định cư; giám sát thực hiện dự án; chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở tái định cư, nhà bố trí tạm thời…

Hy vọng những quy định trên sớm đi vào cuộc sống, đẩy nhanh tiến độ cải tạo nhà chung cư - một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm công tác PCCC trên địa bàn thủ đô. 

 

Bảo Hân

Nguồn:

https://daibieunhandan.vn/Giai-dap-phap-luat/Khong-de-hiem-hoa-chuc-cho-i283045/