CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Hài hòa lợi ích các bên
19/10/2022

Cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15.7.2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn. Thành phố cũng ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đợt 1 để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, các đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện.

 

Yêu cầu đặt ra là thực hiện toàn bộ dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư hoặc phân kỳ đầu tư để thực hiện nhưng ưu tiên phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng trước. Các chung cư còn lại trong khu thực hiện theo quy hoạch chi tiết và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại đã được phê duyệt. Việc phân kỳ đầu tư phải bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn khu theo quy hoạch chi tiết và nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Đối với các dự án đang triển khai xây dựng phải khẩn trương triển khai, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Với dự án quá tiến độ, các chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định. Các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng chưa triển khai cần rà soát công tác lựa chọn chủ đầu tư, yêu cầu khẩn trương hoàn thành thủ tục dự án, triển khai khởi công công trình… Nguồn vốn thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được huy động từ nguồn vốn xã hội hoá, nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố.

Theo thống kê, đến năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954. Hiện nay, công tác rà soát tại các quận đang tiếp tục thực hiện và dự kiến cập nhật bổ sung vào danh mục thêm khoảng 200 - 300 nhà. Việc cải tạo chung cư cũ để bảo đảm đời sống của người dân, góp phần vào công cuộc tái thiết đô thị, hướng tới đô thị xanh, hiện đại là mong mỏi của rất nhiều người dân. Thế nhưng việc triển khai vẫn gặp rất nhiều khó khăn, dù như đánh giá của đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam là thành phố đang có những bước tiến mới.

Cụ thể, các quy định đã rõ ràng nhưng thực hiện trong thực tiễn còn nhiều tranh cãi và nhiều băn khoăn về tính khả thi của các quy định mới. Ví dụ như nếu quy hoạch chỉ được lập trên cơ sở chủ quan của chính quyền thì tính lợi ích của chủ đầu tư có được tính đến đầy đủ hay không? Việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân có thỏa đáng, phù hợp với lợi ích các bên không? Nếu lợi ích các bên trong cải tạo chung cư cũ không bảo đảm thì dự án sẽ lại khó khăn, lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Quy hoạch chủ động là tốt nhưng khi lập, phê duyệt nên lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân ở khu vực giải tỏa để tìm tiếng nói chung - đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Ý kiến khác thì cho rằng, để thực hiện được dự án cải tạo chung cư cũ, cần có trách nhiệm của các bên liên quan như chủ sở hữu, chủ đầu tư, các cấp chính quyền và người dân. Để giải quyết tổng thể, hài hòa lợi ích các bên liên quan, chính quyền phải tổ chức kiểm định, đánh giá lại toàn bộ các khu chung cư, sắp xếp quỹ nhà tạm cư và chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, kết hợp tham khảo ý kiến các chủ sở hữu căn hộ. Chỉ khi nhận được đa số người dân đồng tình thì dự án mới có thể triển khai được, đây là điểm mấu chốt.

Những vướng mắc trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại Hà Nội đã có từ lâu nên cần sớm được tháo gỡ, nếu không sẽ tiếp tục bế tắc.

 

Ninh Khương

Nguồn:

https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/Hai-hoa-loi-ich-cac-ben-i282420/