CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Cơ hội mới để cải tạo chung cư cũ
27/09/2022

Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 (thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015) của Chính phủ “về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2021 sẽ giải tỏa các vướng mắc để thúc đẩy nhanh hơn việc cải tạo chung cư cũ ở TP Hồ Chí Minh...

 

Chung cư cũ Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 (ảnh chụp trước ngày 28/4).

 

Nhiều giải pháp mới

UBND quận 3 vừa đề xuất “giải pháp quy gom” 43 khu chung cư trên địa bàn để xây dựng lại ba khu chung cư quy mô lớn nhằm tái định cư cho tất cả chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Theo Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức, thực hiện được giải pháp nêu trên sẽ tháo gỡ rất lớn cho chủ trương cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn quận. 43 cụm nhà chung cư cũ của quận 3 có đến 90% là nhà tập thể nhỏ lẻ, không thể xây dựng nhà tái định cư tại chỗ. Tương tự, lãnh đạo quận 5 cũng cho rằng, gom các chung cư cũ nhỏ lẻ thành các khu lớn hơn nhằm tái định cư cho người dân là sáng kiến tốt, nếu được triển khai thực hiện sẽ tạo được đột phá trong chỉnh trang đô thị.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, trong số hơn 1.000 chung cư cũ cần cải tạo, xây mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì chỉ có số ít khu chung cư có quy mô lớn như: Chung cư Cô Giang (quận 1); chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3); chung cư Chánh Hưng (quận 8); chung cư Ngô Gia Tự, chung cư Nguyễn Kim (quận 10); chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Còn lại phần lớn là các chung cư nhỏ dạng nhà ở tập thể có nguồn gốc do chuyển đổi từ khách sạn, nhà riêng lẻ được xây dựng trước năm 1975 có diện tích khuôn viên chỉ khoảng 500 m2; có những chung cư nằm trong hẻm nhỏ, rất khó khăn trong công tác di dời, xây mới của địa phương.

Giải pháp “quy gom” sẽ khắc phục việc xây dựng các dự án tái định cư tại nơi khác không đáp ứng được nhu cầu đi lại, làm ăn, sinh sống, chữa bệnh, học hành... cho người tái định cư. Từ đó không để tiếp tục xảy ra tình trạng người tái định cư không lựa chọn vào ở khu tái định cư.

 

Đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

Một nội dung mới trong Nghị định số 69/2021/NĐ-CP là quy định lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nếu như trước đây, muốn tháo dỡ nhà chung cư cũ phải được 100% hộ dân đồng tình ủng hộ, thì nay quy định mới chỉ cần đạt tối thiểu 51%. Trường hợp dưới 51% thì Nhà nước đầu tư theo Luật Đầu tư công, trình HĐND cấp tỉnh quyết định cấp vốn, thực hiện đấu thầu chọn chủ đầu tư.

Theo lãnh đạo UBND quận 4, quy định này đã cởi được nút thắt khiến các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ lâu nay bế tắc. Đơn cử, chung cư Trúc Giang (quận 4) đã xuống cấp trầm trọng, được kiểm định thuộc loại D nguy hiểm và quận 4 đã nhiều lần vận động, thuyết phục di dời nhưng do chỉ còn 3 trong số 123 hộ dân không đồng thuận cũng khiến dự án giậm chân tại chỗ.

Nghị định số 69/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về quy mô dân số, đồng thời giao chỉ tiêu quy hoạch cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố xem xét, phù hợp về quy hoạch, kết nối hạ tầng cũng đã giúp các địa phương chủ động trong quá trình thực hiện, giảm thời gian xin ý kiến các bộ, ngành. Điểm mới giúp thu hút nhà đầu tư là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP cho phép các chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Trường hợp nhà chung cư phải thực hiện phá dỡ nhưng không tiếp tục xây dựng lại nhà ở mà xây dựng công trình (hoặc vẫn tiếp tục xây dựng nhà ở) nhưng được các chủ sở hữu đồng ý không tái định cư tại chỗ; đồng thời, chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường, bố trí tái định cư cho người dân, thì chủ đầu tư được hưởng các cơ chế ưu đãi về đất đai theo quy định.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, 5 năm qua, thành phố mới chỉ di dời được sáu nhà chung cư, phá dỡ bốn nhà chung cư cấp D và chỉ có hai nhà chung cư được xây dựng mới trong tổng số 237 chung cư theo kế hoạch. Những cơ chế được quy định rõ ràng tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP đã mở ra hy vọng để đẩy nhanh quá trình cải tạo, xây mới nhà chung cư tại TP Hồ Chí Minh.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh quá trình kêu gọi đầu tư, dự thảo các cơ chế ưu đãi để mời gọi doanh nghiệp tham gia. Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện cơ chế ủy quyền, phân công triệt để cho UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện, kể cả với các chung cư cũ xây dựng sau năm 1975...

 

Vũ Nguyên

Nguồn:

https://nhandan.vn/co-hoi-moi-de-cai-tao-chung-cu-cu-post659546.html