CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Chủ căn hộ phải bỏ tiền xây mới khi chung cư hết hạn sử dụng
09/06/2023

Rất vô lý khi người có nhà mặt đất phải tự bỏ tiền sửa, xây mới, còn chủ sở hữu căn hộ chung cư thì không.

 

Bàn về những vướng mắc trong cơ chế cải tạo, xây dựng chung cư cũ trong phiên thảo luận tổ về Luật Nhà ở, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng quy định thời hạn chung cư sẽ giảm thiểu vướng mắc khi cải tạo, xây dựng lại khu nhà xuống cấp, hạn chế nguy hiểm cho người dân. Người mua chung cư cũng cần hiểu và chấp nhận căn hộ của họ chỉ có thời hạn nhất định. Quá thời gian đó, chung cư sẽ xuống cấp, hỏng hóc, thậm chí có thể sụp đổ. Đến lúc này, Nhà nước lại phải chịu trách nhiệm là không hợp lý.

Nói về câu chuyện này, độc giả Mùa đông cho rằng: "Chúng ta chưa làm rõ nội hàm sở hữu nhà chung cư có thời hạn, nên dẫn đến hiểu sai, vướng mắc. Theo đó, cần quy định rõ sở hữu nhà chung cư không giới hạn, nhưng tòa nhà chung cư thì phải có thời hạn sử dụng. Ví dụ, hết 50 năm, chung cư buộc phải đập đi xây lại. Các cư dân có quyền và nghĩa vụ góp tiền vào để xây mới. Hộ nào không góp tiền sẽ được chủ đầu tư bồi thường theo một tỷ lệ nào đó (quy định theo luật hoặc thỏa thuận với cư dân).

Khi chuẩn bị hết hạn công trình, cư dân có quyền chủ động thuê chủ đầu tư trong thời gian nào đó, quá hạn vẫn chưa thống nhất thì nhà nước đứng ra thu hồi, phương án đền bù do nhà nước quy định. Chứ hiện nay rất vô lý ở chỗ, nếu sở hữu đất, khi nhà cũ, sập xệ, anh phải bỏ tiền ra xây nhà mới. Còn nếu sở hữu nhà chung cư cũ, thì lại được chủ đầu tư bỏ tiền ra xây, bồi thường từ 1-1.5 lần diện tích cũ, lại được trả tiền để thuê nhà trong thời gian thực hiện dự án.

Hiện nay, nhiều chung cư thấp tầng (3-5 tầng), đến lúc hết hạn sử dụng, nhưng rất khó khăn trong việc xây lại, do người sở hữu không chịu bỏ tiền xây lại. Nếu chúng ta không rút kinh nghiệm, sửa luật sớm, để khi các chung cư 30-40 tầng hết hạn sử dụng, sẽ vướng mắc gấp 10 lần hiện tại".

Đồng tình với quan điểm chủ sở hữu căn hộ chung cư hết tuổi thọ phải chịu chi phí xây mới, bạn đọc Dong Hung Binh phân tích: "Tôi đang ở nhà chung cư nhưng đồng ý cần có quy định và chế tài chặt chẽ, buộc người dân phải phá dỡ chung cư cũ khi hết tuổi thọ công trình. Việc xây dựng nhà chung cư mới thay thế, người sở hữu chung cư cũ phải chịu chi phí.

Nếu họ không đủ khả năng kinh tế bỏ tiền xây chung cư mới thì có thể bán suất của mình cho người khác có nhu cầu. Quy định như vậy mới không tạo ra khu phố ổ chuột trong thành phố. Không thể có đô thị văn minh, khi mỗi người dân muốn làm gì với nhà của mình cũng được. Họ phải chịu chế tài chung theo quy hoạch đô thị".

 

Chung cư cần 'sử dụng có thời hạn, sở hữu vô thời hạn

"Công trình xây dựng nào cũng có thời hạn sử dụng nhất định. Hết thời hạn sử dụng, công trình buộc phải bị tháo dỡ, xây dựng lại. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một vế quyền lợi của người sở hữu căn hộ chung cư. Hầu hết ở các dự án căn hộ chung cư thương mại hiện nay, các chủ sở hữu căn hộ đều có quyền sử dụng chung khu đất (thời hạn lâu dài). Vậy, khi hết thời hạn sử dụng của tòa nhà, các chủ sở hữu căn hộ cũng phải đóng tiền để xây dựng lại hoặc họ có quyền chuyển nhượng sử dụng khu đất", độc giả Van Doanh Tran bình luận.

Ủng hộ phương án cải tạo chung cư cũ bằng nguồn vốn đóng góp của chính các chủ căn hộ, bạn đọc Quang Tiến nói thêm: "Nhiều đại biểu góp ý kiến chung cư không có thời hạn, nhưng lại chưa đóng góp ý kiến làm sao cải tạo được chung cư cũ? Theo tôi, nên phân rõ phần sở hữu không lưu và phần xây dựng. Tuổi thọ công trình khi hết thời hạn buộc phải đập đi, xây lại và người dân sở hữu chung cư sẽ phải đóng góp tiền xây dựng này. Những hộ không đóng đủ tiền sẽ không được sở hữu nữa mà chỉ được nhận đền bù phần không lưu".

Trong khi đó, lấy dẫn chứng từ kinh nghiệm quản lý nhà chung cư của nước ngoài, độc giả Nguyễn nhấn mạnh: "Tại sao ở nước ngoài, chúng ta ít thấy chung cư nào để xuống cấp đến nỗi chính quyền phải can thiệp thu lại để xây dựng mới? Lý do là bởi mỗi chủ căn hộ trong chung cư đó đều phải đóng vào quỹ duy tu, bảo trì hàng tháng một khoản phí để dành vào việc sửa chữa khi cần thiết.

Ban quản lý tòa nhà, bao gồm chủ đầu tư và đại diện cư dân sẽ ra quyết định tu sửa khi nhận thấy hiện trạng xuống cấp và phải báo cáo cư dân về tình hình này. Chi phí tu sửa sẽ được trích ra từ quỹ do người dân đóng góp. Như thế, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quan sát, nhắc nhở, mà không can thiệp vào việc dân sự".

 

Việt Thành

Nguồn:

https://vnexpress.net/chu-can-ho-phai-bo-tien-xay-moi-khi-chung-cu-het-han-su-dung-4614745.html