CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Sống khổ nơi chung cư cũ
10/03/2023

Cả gia đình người bác của tôi nhiều năm qua luôn sống trong tâm trạng bất an khi sống ở chung cư Vĩnh Hội (quận 4) ngày càng xuống cấp trầm trọng.

 

Chung cư Vĩnh Hội, quận 4, TP.HCM hiện nay đãxuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra phần tường chung cư cũ nát, rêu bám thành mảng loang lổ, dây điện chằng chịt khắp nơi. Lối lên của chung cư là cầu thang bộ, các mảng tường cũ kỹ theo thời gian. Trần nhà bị bong tróc nặng, lõi thép bên trong gỉ sét. Cột nhà nứt tạo thành lỗ hổng to. Nhiều khu vực bị bong tróc, hư hỏng nghiêm trọng.

Chính quyền nhiều lần mời các cư dân bàn bạc phương án di dời ra nơi ở mới, cũng như chính sách đền bù. Tuy nhiên, đến nay phương án hỗ trợ người dân vẫn chưa được thống nhất. Trong thời gian chờ đợi phương án tái định cư, nhiều người không dám tu sửa lại nhà. Mà cũng không rõ khi nào mới có thông báo mới về tình trạng chung cư, cũng như phương án đền bù liệu có phù hợp.

Ngoài chung cư Vĩnh Hội, thành phố còn 15 chung cư bắt buộc di dời nhưng tiến độ di dời vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Cùng với đó còn hàng trăm chung cư 50 năm.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp không "mặn mà" với việc đầu tư cải tạo chung cư cũ. Ngoài việc khó thu hút đầu tư thì còn những khó khăn khác như thiếu sự đồng thuận của người dân, thiếu quỹ đất tái định cư, các quy định còn chưa thống nhất.

Luật nhà ở quy định chỉ đối với những chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng (thường gọi là "chung cư cấp D") thì chủ sở hữu mới buộc phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới, hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ. Các trường hợp khác không phải "chung cư cấp D" thì phải được 100% chủ sở hữu đồng ý mới được phá dỡ.

Nhưng chỉ một người không đồng ý cũng không thực hiện được. Do đó, phải sửa luật để ấn định trường hợp này chỉ cần 2/3 hoặc 80% người dân đồng ý là có thể phá dỡ được.

Các khu tập thể cũ lại nằm ở vị trí đất vàng trong khu vực nội đô. Nếu cải tạo lại, nhà đầu tư muốn mở rộng diện tích hoặc xây thêm tầng lên, trong khi khu vực đó đã quá tải về hạ tầng nên Nhà nước khó có thể cấp phép. Nhiều người dân lại yêu cầu hệ số K bồi thường cao (diện tích căn hộ mới = diện tích căn hộ cũ nhân hệ số K). Những lý do này khiến việc cải tạo chung cư cũ gặp nhiều khó khăn.

 

Cần gỡ nhanh vướng mắc

Để có thể thúc đẩy công tác cải tạo chung cư cũ, chính quyền cần đóng vai trò chủ đạo thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ quyền lợi cho người dân cũng như nhận làm "trọng tài" giải quyết mâu thuẫn phát sinh giữa các bên.

Cần có những giải pháp tạo vốn từ nhiều nguồn, chứ không chỉ phụ thuộc vào các nhà đầu tư. Cần xem xét lại điều khoản cho người dân tham gia góp vốn, bởi lẽ chung quy việc cải tạo chung cư cũ chính là cải thiện đời sống cho người dân.

Vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là nguồn cơn mâu thuẫn đối với vấn đề di dời người dân khỏi nơi ở cũ. Việc tạo điều kiện cho người dân tham gia góp vốn sẽ giúp họ có trách nhiệm hơn với căn hộ đã xuống cấp của mình.

Trong tương lai, theo xu hướng phát triển đô thị là chung cư, phải chuẩn bị nền tảng pháp lý tốt. Ngay từ khi mua chung cư, chủ đầu tư phải có những cam kết cụ thể, rõ ràng, dựa trên nền tảng pháp lý chặt chẽ.

 

Thảo Nghi

Nguồn:

https://tuoitre.vn/song-kho-noi-chung-cu-cu-20230308092612355.htm