CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Mong sớm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
19/09/2022

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 20-9-2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố; trong đó lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm định, đánh giá toàn diện hiện trạng các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố... Dư luận cho rằng đây là cơ sở quan trọng, để các sở, ngành, địa phương của Hà Nội vào cuộc đồng bộ, đẩy mạnh cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

 

Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) là một trong 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D. Ảnh: Đỗ Tâm

 

Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành:

Xác định rõ lộ trình triển khai

Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân. Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi trên cơ sở này, UBND thành phố mới ra quyết định phê duyệt đề án theo đúng quy trình.

Đề án cũng xác định rõ lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể để tổ chức thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, trong đó trước hết là việc đẩy nhanh tiến độ kiểm định, đánh giá thực trạng các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ, từ đó lựa chọn chủ đầu tư triển khai.

 

Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm:

Cần có dự án quy hoạch tổng thể trước khi cải tạo, xây mới chung cư

Trên địa bàn phường Thành Công hiện có khoảng 80 khu tập thể từ 2 đến 5 tầng, được xây dựng từ những thập niên 7-8 của thế kỷ trước, đều trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Để bảo đảm cảnh quan đô thị và tránh gia tăng dân số, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, theo tôi không nên cải tạo, xây mới từng khu chung cư trên chính mặt bằng chung cư cũ mà phải có dự án quy hoạch tổng thể.

Trường hợp chưa đủ nguồn kinh phí xây dựng đồng bộ thì trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần đầu tư trước về cơ sở hạ tầng, xây dựng mới một số tòa nhà để dùng chính quỹ căn hộ tại đây làm nơi "di dân"... Với các dự án xây dựng mới nhà chung cư cũ, nhà nước cần đứng ra giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư...

 

Anh Nguyễn Đình Huy, khu A, tập thể Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy):
Đề án đã chỉ rõ những vấn đề cần khắc phục

Hà Nội có số lượng chung cư cũ nhiều nhất cả nước và hầu hết đều đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 14 tòa chung cư từ 9-24 tầng được xây dựng lại và đưa vào sử dụng.

Để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã chỉ rõ những vấn đề cần khắc phục: Công khai, minh bạch trong chế độ ưu đãi đối với nhà đầu tư, đối tượng hưởng chính sách; rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền… Đây chắc chắn sẽ là những “đòn bẩy” để đề án sớm hiện thực hóa, triển khai trong thực tế.

 

Chung cư C1 Thành Công (quận Ba Đình) đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng mới, giúp nâng cao chất lượng sống của người dân. Ảnh: Nguyễn Quang

 

Bà Nguyễn Kim Oanh, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng):
Tránh tình trạng xây dựng dàn trải

Nhìn lại các dự án chung cư cũ đã được cải tạo, xây mới và đưa vào sử dụng có thể thấy, đây đều là những khu đất có vị trí “đắc địa”, thuận tiện giao thông và kinh doanh. Do đó, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm chỉ đạo của thành phố về việc tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D và một số khu chung cư được lựa chọn triển khai có tính khả thi như khu chung cư Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân… Việc rà soát kỹ và lập danh sách cụ thể các khu chung cư xuống cấp, ưu tiên cải tạo, xây dựng sẽ tránh tình trạng xây dựng dàn trải, không tập trung được nguồn lực, dẫn đến dự án nào cũng dở dang.

 

Ông Đỗ Việt Hưng, nhà H8, khu tập thể Thanh Xuân Nam (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân):
Đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân

Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố thực sự là niềm mong mỏi của cả chính quyền và những hộ dân sống tại các khu tập thể cũ từ nhiều năm nay. Đề án chỉ rõ những nhiệm vụ rất cụ thể mà các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải thực hiện. Đặc biệt, cần quan tâm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch; các chính sách về giải phóng mặt bằng, bố trí nhà tạm cư, cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân… Đề án xác định rõ thẩm quyền của UBND các quận, huyện. Vì thế, UBND các quận, huyện cần thực hiện tốt vai trò, chủ động thực hiện nhiệm vụ trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

 

Nhóm Phóng viên

Nguồn:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Bat-dong-san/1013267/mong-som-cai-tao-xay-dung-lai-chung-cu-cu