CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
messages.Tiếng Anh messages.Tiếng Việt
Cần sự đồng thuận cao
15/02/2023

Hà Nội có nhiều nhà chung cư, tập thể cũ được xây dựng từ những năm 60, 80. Nhiều khu đã xuống cấp trầm trọng, không còn bảo đảm an toàn cho người dân. Song, việc di dời vẫn còn gặp khó khăn.

 

Khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NAM NGUYỄN

 

Cấp bách đưa người dân khỏi khu vực nguy hiểm

Sau hàng chục năm sử dụng, nhiều nhà tập thể cũ ở Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Hiện có gần 1.580 nhà chung cư, tập thể cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập được xây dựng từ những năm 1960-1980. Có đến 42 nhà thuộc diện nguy hiểm, hai nhà nguy hiểm cấp độ D (cực kỳ nguy hiểm), một nhà ở cấp độ B, 39 nhà cấp độ C. Tuy nhiên, qua gần 20 năm (từ 2005), Hà Nội mới cải tạo được 19 nhà chung cư cũ (chiếm 1,2%), 14 dự án đang triển khai.

Ngày 3/2 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra thực địa, đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các quận Ba Đình, Đống Đa. Trong đó, Ba Đình là quận có nhiều nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D nhất Hà Nội, là địa bàn được ưu tiên triển khai cải tạo, xây dựng lại trong đợt 1 theo kế hoạch.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong 5 dự án nhà tập thể cũ đã có kết quả kiểm định chất lượng đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D trên địa bàn, quận đã di dời toàn bộ 106 hộ dân của ba chung cư, tập thể cũ nguy hiểm cấp D và đang khẩn trương di dời nốt các hộ dân tại hai nhà còn lại. Dự kiến trong tháng 2 này, Ba Đình sẽ tiếp tục vận động lần 3 các hộ dân tại hai nhà trên nhận tiền tạm cư và bàn giao căn hộ. Trong trường hợp các hộ dân vẫn không chịu phối hợp với chính quyền, quận sẽ giao các ngành chức năng, chính quyền phường quyết liệt hoàn thiện hồ sơ, ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với các hộ dân cố tình chống đối.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân..., từ đó thúc đẩy tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hàng loạt kế hoạch đốc thúc các ban, ngành địa phương nhanh chóng thực hiện cải tạo chung cư cũ. Ngày 18/12/2021, UBND thành phố đã ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”; ngày 31/12/2021 ban hành hai Kế hoạch số 334/KH-UBND và 335/KH-UBND đề ra tiến độ phải đạt được trong năm 2022 về công tác cải tạo chung cư cũ như việc kiểm định chất lượng đối với chung cư; hoàn thành việc phá dỡ đối với một số nhà chung cư, tập thể cũ không bảo đảm an toàn cho người dân.

Các kế hoạch trên đều chưa đạt tiến độ, có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do chưa đạt được sự đồng thuận của một số hộ dân nằm trong diện phải di dời.

 

Nút thắt cần gỡ

Nguyên nhân của cải tạo chung cư cũ chậm tiến độ đã được nêu rõ trong báo cáo về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025 của Ban Chỉ đạo chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội.

Theo đó, Ban Chỉ đạo chương trình số 03 nhìn nhận nguyên nhân gồm việc kiểm định, quy hoạch các khu chung cư, nhà chung cư chưa đạt tiến độ. Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời chưa được thành lập. Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố cũng chưa được ban hành…

Ban Chỉ đạo chương trình số 03 cũng chỉ ra là chưa có quy định rõ ràng liên quan, chưa nêu cụ thể phương pháp xác định hệ số K (hệ số bồi thường) quy đổi tính giá trị căn hộ tái định cư. Đây là căn cứ để bồi thường cho người dân cũng như xác định lợi nhuận định mức mà chủ đầu tư được hưởng khi thực hiện dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đầu tháng 2/2023, Ban Chỉ đạo cải tạo cho biết, UBND thành phố sẽ không xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nội dung chủ yếu liên quan hệ số K và quy trình lựa chọn nhà đầu tư). Theo đó, Ban Chỉ đạo cải tạo cho biết, việc ban hành văn bản mới là không cần thiết do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã tương đối đầy đủ. Đồng thời việc nghiên cứu, xây dựng văn bản hiện nay cũng chậm trễ, không khả thi.

Do đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các sở, ngành thành phố vận dụng tối đa các chế định hiện có, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu, báo cáo UBND thành phố ban hành văn bản cá biệt để chỉ đạo, điều hành (nhưng vẫn phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện) đối với một số tình huống cụ thể.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, việc thiếu hệ số K ưu đãi sẽ không giải quyết được bài toán hài hòa được lợi ích các bên Nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Khi đó, chi phí đầu tư lớn, nhưng lợi ích mang lại không cao, nên không thu hút nhà đầu tư; cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, người dân cũng chưa thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình; trình tự triển khai các dự án cải tạo khu chung cư cũ còn phức tạp... khiến công tác cải tạo chung cư cũ “ì ạch”. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền cần xác định rõ các chỉ tiêu, giải pháp về kiến trúc, cơ sở hạ tầng, diện tích sử dụng; có cơ chế thỏa đáng để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, cải tạo chung cư cũ.

 

Hoàng Phú

Nguồn:

https://nhandan.vn/can-su-dong-thuan-cao-post738749.html